Blog > Nhà bán hàng mới > AliExpress trở thành trang thương mại điện tử lớn nhất châu Âu

AliExpress trở thành trang thương mại điện tử lớn nhất châu Âu

Gạo Nếp 04/01/2024 11:39

Vượt qua "gã khổng lồ" Amazon, doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đang chứng minh sức hút nhờ lợi thế mức giá cạnh tranh, theo nghiên cứu của CBCE.

Trang thương mại điện tử AliExpress thuộc sở hữu của Alibaba đã vượt qua Amazon để trở thành thị trường trực tuyến lớn nhất châu Âu theo Cross-Border Commerce Europe (CBCE), một nền tảng chuyên thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới ở châu Âu.

Trong nghiên cứu hàng năm về 100 thị trường toàn cầu tốt nhất hoạt động tại EU-28 (27 quốc gia thành viên và Anh), CBCE chấm điểm các trang thương mại điện tử dựa trên bốn thông số hiệu suất xuyên biên giới gồm: số lượng quốc gia được bao phủ, doanh số bán hàng ở châu Âu, các chỉ số SEO và phần trăm lượt truy cập xuyên biên giới vào trang web.

Kết quả cho thấy, AliExpress tăng từ vị trí thứ hai vào năm ngoái để dẫn đầu, vượt qua "gã khổng lồ" Amazon của Mỹ. Các nhà bán lẻ khác của Mỹ là Etsy, eBay và Uber Eats cũng có mặt trong bảng xếp hạng với các vị trí lần lượt là 2, 4 và 8.

Đối thủ khác của AliExpress tới từ Trung Quốc là Temu, lần đầu tiên góp mặt trong bảng xếp hạng, vượt qua nhà bán lẻ Zalando của Đức để chiếm vị trí thứ 9. Thuộc sở hữu của công ty mẹ PDD Holdings của Pinduoduo, Temu được thành lập hơn một năm trước và được quảng bá rầm rộ trên Facebook và Instagram trong năm qua.

AliExpress ban đầu được dự định là nền tảng B2B khi thành lập vào năm 2010, nhưng sau đó chuyển sang mô hình kinh doanh B2C khi các nhà phát triển phát hiện 70% người dùng là cá nhân. 90% người bán hoạt động trên trang này có trụ sở tại Trung Quốc và lấy hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất Trung Quốc, góp phần tạo ra mức giá thấp cho người tiêu dùng.

Nghiên cứu từ CBCE cũng tiết lộ rằng, người bán bên thứ ba có trụ sở tại Trung Quốc đang chiếm ưu thế. Theo đơn vị này, nhiều thị trường trực tuyến cũng tìm cách tăng tỷ lệ người bán bên thứ ba và giảm lượng hàng tồn kho nhằm cạnh tranh với các trang C2C đang mở rộng nhanh chóng.

Năm 2022, người bán bên thứ ba tại Trung Quốc đã đạt được GMV (tổng giá trị hàng hóa) 200 tỷ USD trên Amazon và 47 tỷ USD trên AliExpress trên toàn thế giới. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi và tỷ lệ người bán tại Trung Quốc của Amazon dự kiến đạt 65% vào năm 2026