Shopee và Grab: Cuộc đua đốt tiền có hồi kết, trái ngọt lợi nhuận chỉ dành cho người đứng đầu
Gạo Nếp 10/01/2024 11:28
Mới đây, Baemin - ứng dụng giao đồ ăn của startup kỳ lân Woowa Brothers đến từ Hàn Quốc đã phải rời bỏ thị trường Việt Nam.
Lâu nay, ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn được ví von là "cuộc đua đốt tiền" của các "ông lớn" bởi biên lợi nhuận vô cùng thấp. Các chương trình khuyến mãi rầm rộ và na ná nhau giữa các sàn giao dịch điện tử, ứng dụng gọi xe liên tục được tung ra nhằm mục đích thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng và lôi kéo thị phần, cạnh tranh với các đối thủ khác.
Trên hành trình "đốt tiền" này, nhiều doanh nghiệp đang phải gánh khoản lỗ lớn, thậm chí một số đã phải rút lui, đơn cử như các trang thương mại điện tử Adayroi, Lotte.vn, Robins.vn, ... hay VuiVui là những cái tên đã dừng bước năm 2019, với một lý do gần như chung cho tất cả là "nguồn lực không đủ". Mới đây, Baemin - ứng dụng giao đồ ăn của startup kỳ lân Woowa Brothers đến từ Hàn Quốc cũng đã rời thị trường Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Điệp - CEO VNP Group trong năm 2022, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đến hiện tại vẫn đầy khốc liệt với cuộc chơi đốt tiền giành thị phần. Thị trường có 10 doanh nghiệp thì lỗ cả 10, cho đến khi thị trường tiến đến ngưỡng mới.
Sau một thời gian dài "đốt tiền", hai đơn vị dẫn đầu các sàn thương mại điện tử và dịch vụ gọi xe trực tuyến ở Việt Nam được xác định là Shopee và Grab.
Báo cáo do công ty dữ liệu YouNet ECI cập nhật đến ngày 25/12/2023 cho thấy, Shopee tiếp tục độc chiếm ngôi đầu thị phần doanh thu các sàn thương mại điện tử với 72,7% (tương đương 22,674 nghìn tỷ đồng). Theo sau Shopee là TikTok Shop với 17,2% thị trường và Lazada với 9% thị trường.
Shopee được thành lập bởi tập đoàn SEA vào năm 2015, có trụ sở tại Singapore và hoạt động tại Đông Nam Á và Đài Loan. Gia nhập thị trường sau Lazada, Shopee giai đoạn đầu chi rất mạnh để thu hẹp khoảng cách với đối thủ đi trước. Các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi, và miễn phí vận chuyển liên tục được Shopee sử dụng để thu hút người dùng, tạo dựng thương hiệu và tăng lượng người dùng, mặc dù có thể chưa sinh lời ngay lập tức.
Chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.
Trong 3 năm từ 2016-2018 dù lỗ lũy kế gần 2.700 tỷ đồng nhưng Shopee chưa hề phát sinh doanh thu. Đến tận đầu quý 2/2019, trang thương mại điện tử này mới bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên nền tảng của mình.
Từ năm 2020, Shopee đã bắt đầu giảm lỗ và đến năm 2022, sàn thương mại điện tử này đã hái "quả ngọt" khi doanh thu tăng trưởng phi mã lên gần 11.000 tỷ đồng, tăng 92.2% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, sau nhiều năm hoạt động không có lời, vào năm 2022, Shopee Việt Nam đã có mức lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.000 tỷ đồng, giảm lỗ lũy kế xuống còn 4.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, các đối thủ khác của Shopee như Lazada trong năm 2022 lỗ hơn 200 tỷ, Sendo lỗ hơn 500 tỷ, Tiki lỗ hơn 2.500 tỷ.