Nguy cơ thâu tóm Lazada trở thành sai lầm 7 tỷ USD của Alibaba: Sau 8 năm vẫn thua Shopee, 'mở bát' 2024 bằng tin sa thải gây hoang mang
Gạo Nếp 15/01/2024 11:36
Khi nhắc đến thương mại điện tử ở Trung Quốc, thường thì ai cũng sẽ nghĩ ngay đến Alibaba. Công ty do Jack Ma sáng lập từ lâu đã trở thành công ty hàng đầu ở đất nước tỷ dân, nhưng những ngày đó có thể sắp chấm dứt.
Tháng trước, đối thủ PDD Holdings, công ty đứng sau các ứng dụng mua sắm gồm Pinduoduo và Temu, đã vượt Alibaba về vốn hóa thị trường, trở thành công ty thương mại điện tử có giá trị nhất Trung Quốc.
Vốn hóa thị trường của Alibaba đã giảm mạnh, từ mức cao 795,4 tỷ USD trong quý 3 năm 2020 xuống còn khoảng 192,1 tỷ USD tính đến ngày 3/1. PDD hiện đã bỏ xa đối thủ cũ với mức vốn hóa 199,3 tỷ USD.
Có nhiều nguyên nhân khiến Alibaba sa sút như hiện nay. Việc Ant Financial tạm dừng IPO, một cuộc điều tra chống độc quyền, hủy bỏ kế hoạch IPO mảng kinh doanh điện toán đám mây và những thay đổi về lãnh đạo đều đã làm tổn hại nghiêm trọng đến giá trị của Alibaba.
Mặt khác, PDD lại có mức tăng trưởng vững chắc. Chi nhánh tại Mỹ là Temu của họ đã đứng đầu bảng xếp hạng tải xuống ứng dụng ở Mỹ và gây được tiếng vang lớn với quảng cáo Super Bowl vào đầu năm nay.
Ấn phẩm LatePost của Trung Quốc đưa tin, khoảng 9% người Mỹ đã mua sắm trên Temu.
Vậy điều gì đã xảy ra đằng sau sự đổi ngôi lần này?
Thành công của PDD trong việc đưa mô hình Pinduoduo ra nước ngoài cùng với Temu có thể là một phần tạo nên sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Công ty cũng đã ghi nhận số liệu doanh thu ngày càng tăng, tăng 94% so với cùng kỳ vào quý 3 năm 2023.
Ngược lại, doanh thu của Alibaba chỉ tăng 9% trong năm.
Sự so sánh càng trở nên rõ ràng hơn nếu chỉ nhìn vào doanh thu từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Alibaba (hoạt động tại Trung Quốc và quốc tế), ngoại trừ các con số từ các bộ phận khác như đám mây, hậu cần, truyền thông và giải trí kỹ thuật số.
Trong quý 4 năm 2021, doanh thu của Pinduoduo chỉ bằng 14% doanh thu thương mại điện tử của Alibaba. Đến quý gần đây nhất, con số này đã tăng lên 56%.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc dường như chưa sẵn sàng từ bỏ Alibaba hoàn toàn.
Đầu tiên, doanh thu thương mại điện tử của công ty vẫn gần gấp đôi so với Pinduoduo.
Thứ hai, chỉ số đo lường mức độ trung thành của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm/ dịch vụ (NPS) của hai thương hiệu tại Trung Quốc cho thấy Alibaba vẫn có danh tiếng tốt.
Dữ liệu từ Chnbrand cho thấy NPS của Pinduoduo đã giảm từ 11 xuống -10 trong năm nay. Trong khi đó, điểm số của Tmall và Taobao (hai thương hiệu thương mại điện tử Alibaba tại Trung Quốc) lần lượt đạt 34,3 và 39,6.
Sai lầm với Lazada
Kinh nghiệm của Alibaba trong những năm gần đây cho thấy các cơ quan quản lý có quyền tác động đến bất kỳ công ty nào, bất kể quy mô. Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp của Jack Ma trở thành đối tượng bị điều tra sau khi ông có phát ngôn tiêu cực về hệ thống quản lý tài chính của Trung Quốc.
Bản thân ByteDance cũng đã vấp phải sự phản đối của các nhà quản lý khi chi nhánh thương mại điện tử TikTok Shop của họ bị cấm ở Indonesia do một quy định mới cấm giao dịch thương mại điện tử trực tiếp trên mạng xã hội. TikTok Shop kể từ đó đã quay trở lại đất nước này thông qua thỏa thuận với Tokopedia.
Mặt khác, sự thành công của PDD có thể mang lại một số hiểu biết sâu sắc cho những công ty thương mại điện tử ở Đông Nam Á.
Với sức chi tiêu ngày càng tăng ở Trung Quốc, các đối thủ của Pinduoduo tập trung vào những người chi tiêu nhiều hơn. Điều này cho phép Pinduoduo lấp đầy khoảng trống giá hời, nhắm đến người tiêu dùng bên ngoài các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh và Thượng Hải. PDD đã cố gắng vượt qua được điều này khi các đối thủ của họ đang cố gắng vượt lên.
Tất nhiên, Pinduoduo đã có lợi thế trong việc sử dụng WeChat nhờ Tencent, công ty sở hữu nền tảng truyền thông xã hội này và là cổ đông lớn của PDD.
Tencent lần đầu tiên đầu tư vào PDD vào năm 2016 và cho phép chia sẻ các liên kết Pinduoduo trên WeChat, trong khi những liên kết từ Taobao lại bị chặn. Vì vậy, mặc dù đây không phải là một chiến lược có thể dễ dàng nhân rộng, nhưng điều này cho thấy rằng việc có bạn bè và đối tác ở những vị trí cao sẽ mang lại lợi ích.
Việc Alibaba mua lại Lazada vào năm 2016 cũng rất đáng chú ý đối với các doanh nghiệp địa phương. Vào thời điểm đó, Alibaba đã chi 1 tỷ USD để đảm bảo quyền kiểm soát công ty từ tay Rocket Internet. Kể từ đó, công ty Trung Quốc đã chi tổng cộng hơn 7 tỷ USD để giúp công ty con trẻ này cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử năng động ở Đông Nam Á.
Công bằng mà nói thì kết quả khá khác nhau. Lazada đã chứng kiến nhiều sự thay đổi lãnh đạo trong những năm qua và đứng sau Shopee về thị phần khu vực. Họ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ những cái tên như TikTok Shop.
Tình hình ở Lazada hiện còn hỗn loạn hơn nữa khi vào khoảng ngày 4/1, tờ TechinAsia cho hay Lazada dự kiến sẽ sa thải 30% lao động tại nhiều thị trường.
Thông tin này được đăng tải sớm nhất trên tờ The Edge Singapore, thông báo về việc Lazada chi nhánh thị trường này sẽ sa thải lao động, sau đó nguồn tin của TechinAsia khẳng định Lazada chi nhánh Malaysia sẽ là đơn vị kế tiếp.
Rõ ràng, cách thâu tóm tốn kém mà Alibaba sử dụng (ám chỉ việc mua Lazada) để mở rộng trong khu vực trái ngược với cách Temu được tung ra thị trường mới một cách tự nhiên, một cách tiếp cận rẻ hơn và dường như hiệu quả hơn.