Thương mại điện tử “thắt lưng buộc bụng”
Gạo Nếp 24/01/2024 11:04
Hơn chục ngày qua, thông tin về việc nền tảng thương mại điện tử Lazada dự kiến sa thải 30% lao động tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam, được các chuyên gia và truyền thông đồng loạt đưa ra phân tích.
Động thái sa thải nhân sự diễn ra ngay sau khi Lazada nhận thêm 634 triệu USD từ công ty mẹ Alibaba, nâng tổng số tiền mà tập đoàn Trung Quốc bơm cho nền tảng này trong năm 2023 lên hơn 1,8 tỷ USD.
Người phát ngôn của Lazada cho biết, Công ty đang chủ động thực hiện các điều chỉnh để chuyển đổi lực lượng lao động, nhằm định vị tốt hơn bản thân theo cách làm việc nhanh nhẹn, hợp lý, đáp ứng nhu cầu kinh doanh trong tương lai.
Vài năm qua, Lazada liên tục phát triển để đảm bảo duy trì mô hình tăng trưởng kinh doanh bền vững. Sự chuyển đổi này đòi hỏi Công ty phải đánh giá lại các yêu cầu về lực lượng lao động và cơ cấu hoạt động của mình để cải thiện vị thế của Lazada, đảm bảo hoạt động kinh doanh và con người trong tương lai.
Tuy nhiên, các câu hỏi về mức độ sa thải và lý do của đợt cắt giảm này vẫn chưa được trả lời. Trước đó, Lazada đã tuyển dụng đến 10.000 lao động mới ở 6 thị trường, gồm Việt Nam, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Động thái của Lazada không khó hiểu, bởi để đi đến đích có lợi nhuận, buộc họ phải quyết liệt thực thi chiến lược “tiết kiệm từng xu”.
Còn nhớ, thông tin chấn động trên thị trường thương mại điện tử cách đây hơn một năm, khi Sea Limited - công ty mẹ của Shopee, SeaMoney và Garena cắt giảm khoảng 7.000 vị trí, tương đương 10% nhân sự.
Việc cổ phiếu giảm sâu khiến vốn hóa của gã khổng lồ công nghệ trên mất gần 90% giá trị kể từ mức đỉnh thiết lập vào năm 2022. Trong bối cảnh lãi suất tăng nhanh và cạnh tranh gay gắt, triển vọng doanh thu của Sea bị ảnh hưởng mạnh, buộc công ty này phải cắt giảm việc làm, đóng cửa các hoạt động thương mại điện tử ở một số thị trường như châu Âu, Mỹ Latinh…
Cả Shopee, SeaMoney và ShopeePay đều bị ảnh hưởng. Những vị trí bị cắt giảm chủ yếu tập trung ở nhóm bộ phận liên quan đến tuyển dụng và đào tạo tại Singapore và Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, TikTok mạnh tay để cứu vãn TikTok Shop, vốn bị tạm dừng hoạt động tại Indonesia, thông qua khoản chi 1,5 tỷ USD để mua 75% cổ phần sàn thương mại điện tử Tokopedia của siêu ứng dụng GoTo (Indonesia).
Các cuộc đàm phán giữa TikTok và GoTo bắt đầu sau khi Chính phủ Indonesia cấm các nền tảng mạng xã hội cung cấp tính năng thương mại điện tử. Chính phủ Indonesia cho biết, động thái này nhằm bảo vệ các thương gia và thị trường ngoại tuyến ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nhưng giáng đòn mạnh vào TikTok.
Quy định cho phép phương tiện truyền thông xã hội quảng bá bán hàng và quảng cáo sản phẩm, nhưng yêu cầu các nhà khai thác cung cấp một dịch vụ riêng để mua và bán sản phẩm.
TikTok đã tìm kiếm quan hệ đối tác với các công ty mua sắm trực tuyến của Indonesia để tái gia nhập thị trường Indonesia.
Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là một trong những thị trường quan trọng nhất của TikTok. Trong khi đó, Tokopedia phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ TikTok trong cuộc chiến thị phần tại Indonesia. Theo thỏa thuận mới, Tokopedia và TikTok Shop hợp nhất và sử dụng thương hiệu Tokopedia.
Tuyên bố chung của hai bên cũng thông tin về việc sẽ có một giai đoạn thí điểm thực hiện thỏa thuận với sự tham vấn và giám sát từ cơ quan quản lý hữu quan, dự kiến kết thúc vào quý I/2024. Ngân hàng Goldman Sachs đóng vai trò cố vấn tài chính cho GoTo trong thương vụ.
GoTo thành lập từ việc sáp nhập hãng gọi xe Gojek và sàn thương mại điện tử Tokopedia năm 2021. Siêu ứng dụng này của Indonesia công bố khoản lỗ ròng 40.400 tỷ rupiah (2,6 tỷ USD) trong năm 2022, tăng 56% so với năm 2021.
Thỏa thuận giữa TikTok và GoTo cũng có khả năng định hình lại bức tranh công nghệ của Indonesia, giờ đây chủ yếu dựa trên sự cạnh tranh giữa Sea (công ty mẹ của Shopee) và TikTok-Tokopedia.
Không chỉ vậy, với chiến lược cơ cấu lại các mảng kinh doanh để giảm thiểu rủi ro, tăng thêm cơ hội thị trường mới, Công ty ByteDance, chủ sở hữu TikTok, đang đàm phán với “ông lớn” Tencent và nhiều đối tác khác để bán lại các tài sản nhằm chính thức rút khỏi ngành công nghiệp game. Các cuộc đàm phán đang diễn ra, nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào. Tuy nhiên, công ty mẹ của TikTok đã ngừng phát triển các trò chơi chưa phát hành và lên kế hoạch thoái vốn khỏi các tựa game đã ra mắt.