Làm kênh TikTok, livestream bán hàng: Nghề tay trái giúp công nhân xoay xở mưu sinh
Gạo Nếp 11/10/2023 12:11
Ban ngày làm thuê, đêm về quay video và livestream, nhiều công nhân có cuộc sống khởi sắc hơn từ khi biết "chơi" mạng xã hội.
Với một chiếc điện thoại, một cái chân máy, nhiều công nhân đã trở thành "người nổi tiếng" trên TikTok, thu hút về hàng triệu lượt xem và tương tác.
Từ tìm niềm vui đến kiếm được tiền
Hai chị em Trần Thị Thu Trang và Trần Thị Thu Hiền (hiện làm ở xã Long Đức, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) là chủ sở hữu của kênh TikTok Hiền Trang TV. Xa quê đi làm công nhân, hai chị em nương tựa lẫn nhau, làm TikTok tìm niềm vui sau những ca làm dài 9 - 10 tiếng.
Lương công nhân đến tháng trả tiền trọ, tiền ăn uống, xăng xe thì chỉ còn một ít để gửi về cho gia đình. Trước khi làm TikTok, cả hai cho biết mình không dư giả được bao nhiêu "vì ngày lãnh lương cũng là ngày tôi sợ nhất, bao thứ phải chi, bao thứ phải trả"
Trong căn phòng trọ rộng khoảng 15 m2, hai chị em Trang và Hiền, người quay người "diễn". Mỗi chiều tan làm, dù người mệt rã rời, hai chị em cũng tranh thủ đi chợ, nấu cơm để có thời gian đăng tải video.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Hiền cho biết, sau một thời gian xây kênh, họ đã có thêm một khoản thu nhập nhỏ để trang trải. Số tiền đó đến từ quà tặng của khán giả trên livestream, tiếp thị liên kết và lâu lâu là các hợp đồng quảng cáo. Ban đầu, cả hai được trả vài trăm nghìn, về sau khi làm thuần thục hơn, cả hai có thể kiếm được vài triệu cho một video quảng cáo.
Chị Hiền cho biết mình và em gái dự định sẽ làm công nhân đến hết năm nay hoặc nửa đầu năm sau. Sau đó dành toàn bộ thời gian để đầu tư và phát triển kênh TikTok.
Chủ động tìm hướng đi trong thời đại số
Giai đoạn bấp bênh, công việc cắt giảm, anh Lương Tuấn Anh (27 tuổi, tổ trưởng chuyền may ở một nhà máy tại TP.HCM) cho biết mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng không đủ để anh trang trải cuộc sống đô thị. Anh kể, đồng nghiệp của người ai cũng có dự tính riêng. Người thì hết năm về quê làm ăn nhỏ, người tranh thủ buổi tối chạy thêm vài cuốc xe để mua sữa cho con...
Khoảng 4 tháng trước, vì việc làm hạn chế, có nhiều thời gian rảnh, anh Tuấn Anh bắt làm TikTok. Ban đầu, anh xây kênh vì muốn lưu giữ những khoảnh khắc vui vẻ trong cuộc sống thường ngày, thỏa mãn đam mê diễn xuất từ ngày bé. Nhưng "trộm vía" đến nay kênh 3Dinh.Idol của anh đã có hơn 33.000 lượt theo dõi, nhận về hơn 450.000 lượt yêu thích.
"Nhờ có sự ủng hộ của mọi người, tôi đã kiếm được thêm chút đỉnh từ mạng. Khi nhận được tiền thù lao, tôi mừng lắm và có san sẻ với chị em đồng nghiệp mỗi người một ít vì họ có hỗ trợ và diễn chung với tôi trong video".
Tận dụng "thời thế", anh Tuấn Anh còn mở thêm một cửa hàng bán áo thun online trên TikTok shop. Mỗi chiếc áo bán được, anh thu lời khoảng 10 nghìn đồng.
Tâm sự với Thanh Niên, anh cũng nói thêm, trong tương lai, nếu khán giả vẫn còn yêu thương, ủng hộ "anh thợ may thích diễn", anh sẽ đầu tư thêm thời gian, thiết bị để làm ra video chỉn chu hơn. Tuy nhiên, anh cũng không dám "làm liều, do lên mạng thì có hên có xui, nay mai chưa ai biết được: "Đây là cơ hội chung để tất cả mọi người cùng nắm bắt, mình làm được thì người ta cũng làm được nên tôi cũng không dám đặt cược 100%".
Ngoài TikTok, nhiều công nhân còn tận dụng Facebook hay một số nền tảng online khác để kiếm thêm thu nhập. Tại một xóm trọ trên đường Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM), nhiều công nhân sau giờ tan làm lại rủ nhau livestream bán hàng.
Anh Nguyễn Công Anh (42 tuổi, Q.12, TP.HCM) cho biết, vì muốn có thêm đồng ra đồng vào, mỗi tối vợ anh đều lên mạng bán hàng 2 - 3 tiếng, có khi hăng say bán đến tận khuya còn anh thì phụ trách việc gói hàng.
"Công nhân chúng tôi bây giờ, mấy ai làm một nghề mà đủ sống. Hôm nay có thể tăng ca nhưng ngày mai bị sa thải là chuyện thường, nên chúng tôi đều phải dự phòng cho chính mình và gia đình".