Xuất hiện đối thủ mới trên sàn thương mại điện tử Đông Nam Á - Temu
Gạo Nếp 24/11/2023 08:55
Temu là sàn thương mại điện tử giá rẻ từng tạo ra nhiều tiếng vang trên thị trường Mỹ, nay đã chính thức có mặt thị trường Đông Nam Á.
Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh, Tech in Asia cho biết Temu, công ty “chị em” với sàn thương mại điện tử (TMĐT) giá rẻ Pinduoduo cuối cùng cũng gia nhập thị trường Đông Nam Á, và điểm đến đầu tiên là Philippines. Đây là đối thủ đáng chú ý nhất của hãng thời trang nhanh Shein.
Giống như hầu hết các ứng dụng thương mại điện tử khác, Temu cung cấp hàng loạt sản phẩm từ hơn 250 danh mục khác nhau, gồm quần áo, phụ kiện, đồ gia dụng, đồ nội thất...
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là mức giá sản phẩm Temu đưa ra vô cùng thấp nếu so với tiêu chuẩn của người Mỹ. Bằng cách bán trực tiếp hàng hóa từ nhà sản xuất Trung Quốc tới tay khách hàng toàn cầu, Temu cắt giảm các khâu trung gian để chiết khấu tối đa. Một bộ đồ bơi nữ được bán trên Temu chỉ có giá 6,5 USD, một cặp tai nghe không dây giá 8,5 USD. Thậm chí, không ít mặt hàng trên Temu có giá chưa tới 1 USD như kính râm, rao cạo lông mày, dây buộc tóc…
Đến nay, Temu đã có mặt trên 38 thị trường trên toàn cầu, đây là một thành tích khá ấn tượng khi so sánh với sự hiện diện ở 11 nước của Shopee.
Theo Angus Mackintosh, người sáng lập trang nghiên cứu CrossASEAN, vẫn chưa rõ tác động ngắn hạn của Temu đối với bối cảnh thương mại điện tử tại Đông Nam Á.
Ông Mackintosh cho biết thêm: “Tôi nghĩ còn quá sớm để nhận định về tương lai của Temu tại khu vực Đông Nam Á. Hiện chưa có dấu hiệu nào đảm bảo rằng Temu sẽ thành công tại thị trường này. Shein là một ví dụ điển hình về một nền tảng có thể thành công ở Mỹ, nhưng lại thất bại khi hoạt động tại Indonesia. Temu cũng có thể phải đối mặt với các vấn đề của chính phủ về việc các công ty internet Trung Quốc xung đột với các MSME (công ty siêu nhỏ, nhỏ và vừa) của Indonesia bằng hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc”.
Theo Sheji Ho, nhà đồng sáng lập và cựu giám đốc bộ phận tiếp thị của aCommerce, các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình D2C, các công ty TMĐT và các công ty khởi nghiệp thương mại xã hội cần cảnh giác trước sự xuất hiện Temu - một đối thủ rất tiềm năng.
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng, Temu là một ví dụ thú vị về cách cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đã trở nên lớn mạnh đến mức không cần đến các kênh, các nhà phân phối để đưa sản phẩm tới tay khách hàng, những người đang bị suy giảm về kinh tế và luôn tìm kiếm một món hời khi mua sắm.
Không chỉ đưa ra sản phẩm ở mức giá hấp dẫn, nền tảng thương mại điện tử Temu còn sẵn sàng chi trả mạnh tay cho những chiến dịch quảng cáo. Đầu tháng 3/2023, Temu xuất hiện trên Super Bowl, một trong những chương trình nổi tiếng đông người xem tại Mỹ với nội dung nói về việc người dùng có thể “mua sắm như tỷ phú” thế nào trên nền tảng này.
Chưa dừng lại ở đó, để thu hút người dùng, Temu sẵn sàng triển khai các chương trình khuyến mãi sâu với mức giảm giá lên tới 90%; tặng tiền, tặng quà miễn phí nếu khách hàng giới thiệu thêm được người dùng mới.
Hiện tại, Temu được cho là sẽ tham gia một số thị trường Đông Nam Á khác trong năm nay. Trước đây, công ty từng chia sẻ rằng họ không đưa ra thông tin chi tiết về kế hoạch mở rộng thị trường. Kế hoạch chi tiết có thể được đưa ra sau khi công ty mẹ của Temu và Pinduoduo đưa ra báo cáo tài chính quý II trong thời gian tới.