Trong báo cáo công bố hồi tháng 12/2022, công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey dự đoán, giai đoạn 2023-2026, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á tăng gấp ba lần, với tốc độ tăng trưởng kép 22% và đạt khoảng 230 tỷ USD về tổng khối lượng hàng hóa. Đồng nghĩa, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á đang ở ngưỡng cửa của giai đoạn thứ hai, sau chu kỳ 10 năm đầu tiên từ 2013.
Theo đó, 2023 là năm đầu tiên trong chu kỳ mới của thương mại điện tử, tuy nhiên, sự khởi đầu dường như không dễ dàng bởi các "cơn gió ngược": lãi suất tăng và áp lực lạm phát cao. Hoàn cảnh mới buộc các doanh nghiệp thương mại điện tử phải nhắm đến mô hình phát triển bền vững thay vì chỉ ganh đua về các chỉ số ngắn hạn hay cạnh tranh về giá.
Đẩy mạnh phát kiến công nghệ
McKinsey dự đoán công nghệ tiên tiến có thể trở thành thách thức nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp biết tận dụng nó để phát triển, đặc biệt trong nhóm ngành thương mại điện tử.
Thực tế, trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần tạo ra ưu thế cạnh tranh vượt trội cho các doanh nghiệp thương mại điện tử nhờ khả năng tối ưu hoạt động vận hành thông qua cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu dịch vụ khách hàng, phân tích - dự đoán nhu cầu thị trường dựa trên dữ liệu lớn và gia tăng hiệu suất vận hành của hạ tầng logistics. Đồng thời, AI là giải pháp giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và năng suất hơn, linh động thích ứng với mọi tác động từ bên ngoài.
Công nghệ thực tế tăng cường và thực tế ảo (AR/VR) cũng ngày càng được các sàn thương mại thực tế ứng dụng để mang đến trải nghiệm mua sắm như tại các cửa hàng, rút ngắn khoảng cách giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến.
Ngoài ra, sự xuất hiện của ChatGPT trong thời gian gần đây cũng được xem là bước đột phá đáng chú ý của giới công nghệ. Dù có nhiều ý kiến cho rằng ứng dụng này sẽ đe dọa soán ngôi nhiều ngành nghề, ông Matt Janaway - Giám đốc Điều hành Marketing Labslại lại đưa ra nhận định ChatGPT sẽ sớm trở thành "cánh tay phải" của các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. "Tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp về thương mại đã phát triển cùng ChatGPT, thông qua quá trình tự động hóa mô tả sản phẩm và danh mục", chuyên gia này cho biết.
Trong thế giới hậu Covid-19, xa hơn là xuyên suốt chu kỳ phát triển mới, một trong những điểm tựa để doanh nghiệp xây dựng kết nối vững chắc với người dùng chính là những trải nghiệm tinh tế và thông suốt trên nền tảng số. Do đó, việc đón đầu và chiếm lĩnh các xu hướng công nghệ mới đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thấu hiểu sâu sắc người dùng
Thời đại của trải nghiệm cơ bản "người mua - kẻ bán" đã qua. Cơ sở của nhận định này dựa trên kết quả trích từ báo cáo SYNC Đông Nam Á 2022 do Meta phối hợp Bain & Company thực hiện. Trong 3 tháng, 53% người tiêu dùng Đông Nam Á đã thay đổi thương hiệu mua sắm. Cũng theo báo cáo Year in Search 2022 của Google về hành vi tìm kiếm tại Việt Nam, hơn cả giá cả, người tiêu dùng đang quan tâm hơn về mặt "giá trị", dẫn đến xu hướng lựa chọn dịch vụ, sản phẩm đáng tin cậy, phù hợp với hệ giá trị.
Bước sang chu kỳ phát triển mới, sự kỳ vọng của người tiêu dùng vào các trải nghiệm trên sàn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển cao hơn. Đồng nghĩa, họ sẽ ngày càng mua sắm thông minh và liên tục nâng cao kỳ vọng vào các trải nghiệm mới lạ, tinh tế hơn trong các sản phẩm hay nhu cầu dịch vụ cơ bản.
Để thành công trong chu kỳ mới, mọi doanh nghiệp thương mại điện tử cần nỗ lực trong hành trình thấu hiểu người tiêu dùng và kiến tạo thêm nhiều giá trị mới. Sự thấu hiểu này có thể đến từ việc liên tục cập nhật những thông tin về thị trường thông qua dữ liệu cá nhân hoá.
Dựa trên những thông tin này, các doanh nghiệp thương mại điện tử có thể linh động điều chỉnh chiến lược của mình để mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ và tinh tế hơn trên hành trình mua sắm của khác hàng.
Phát triển danh mục sản phẩm theo chiều sâu
Trước đây, độ rộng của danh mục sản phẩm (assortment width) là chìa khóa giúp doanh nghiệp thương mại điện tử thu hút khách hàng. Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nhiều đơn vị chú trọng tăng chiều rộng bằng việc liên tục giới thiệu sản phẩm mới, đa dạng hóa danh mục.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nền tảng và nhu cầu người dùng ngày càng tinh tế, mở rộng danh mục sản phẩm theo chiều ngang là chưa đủ. Các doanh nghiệp cần đi vào chiều sâu, đồng nghĩa việc tập trung vào chất lượng sản phẩm được kinh doanh trên nền tảng. Việc kiện toàn cả chiều rộng và chiều sâu sản phẩm (assortment width and depth) sẽ giúp doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển theo hướng bền vững và tạo kết nối vững chắc với khách hàng.