Blog > Quản lý kinh doanh > Cách Sendo từng bước xây dựng 'Chợ của người Việt'

Cách Sendo từng bước xây dựng 'Chợ của người Việt'

Gạo Nếp 12/12/2023 12:12

Sendo bán các sản phẩm giá bình dân nhưng chất lượng và đồng hành cùng người tiêu dùng, các nhà bán hàng vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19.

Sendo được khai sinh bởi những người Việt làm công nghệ trong thời điểm thương mại điện tử vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam vào năm 2012. Chỉ 6 năm (2018), Sendo đã vươn lên đứng thứ 6 trong Top 10 sàn thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á (theo xếp hạng của iPrice). Sau 9 năm, Sendo trở thành nền tảng thương mại điện tử với khoảng 10 triệu sản phẩm và hơn một tỷ lượt truy cập riêng trong năm 2020. Để có được thành công trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của các "ông lớn ngoại quốc", đội ngũ Sendo không ngừng nghiên cứu tìm hướng đi mới và tạo sự nên khác biệt.

Trong suốt chặng đường phát triển nhằm biến sàn thương mại điện tử thành "Chợ của người Việt", bên cạnh hàng phân khúc giá cao, chất lượng tốt, Sendo nhận ra người tiêu dùng ở các tỉnh thành nhỏ thường bị hấp dẫn bởi sản phẩm khuyến mãi nhưng có ít điều kiện tiếp cận các sản phẩm chất lượng và giá cả phải chăng. Vì vậy, Sendo quyết định đưa những sản phẩm tiêu dùng phổ thông, thuộc phân khúc bình dân nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đến tay khách hàng khu vực nông thôn. Đây cũng là chiến lược lâu dài, lối đi riêng mà Sendo hướng đến.

Tận dụng thế mạnh về công nghệ và am hiểu nhu cầu mặt hàng của địa phương, Sendo cũng làm việc trực tiếp với các cơ sở sản xuất, cắt giảm các khâu trung gian để đạt được "lợi ích kép" cho cả người mua lẫn người bán. Trong đó, Sendo cắt giảm chi phí phân phối cho cơ sở sản xuất 20% - 30% và đưa hàng đến tận tay người mua. Khách hàng có sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng với mức giá phải chăng. Chiến lược này không chỉ giúp sàn thương mại điện tử này nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm mà còn có thể cam kết bán hàng đúng chất lượng, đảm bảo 100% nguồn gốc xuất xứ từ doanh nghiệp Việt.

Ngoài ra, các gói ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng như: Mua trước trả tiền sau, Mua theo nhóm với giá rẻ bất ngờ... được Sendo duy trì thường xuyên để kích cầu mua sắm, kết nối người tiêu dùng với các nhà sản xuất, doanh nghiệp địa phương... Tất cả hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ bền vững. Tính đến nay, Sendo đã thu hút hơn 700.000 nhà bán hàng trên toàn quốc.

Năm 2020 và đầu năm 2021, Sendo đồng hành cùng người tiêu dùng và các nhà bán hàng vượt qua những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra bằng việc triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp địa phương ra toàn quốc. Cụ thể, Sendo liên kết và thiết lập kênh phân phối trên sàn cho các thương hiệu Việt Nam như: bột giặt Lix, bánh kẹo Phạm Nguyên, quần áo Canifa...

Vào đầu năm nay, Sendo phối hợp với Bộ Công thương cho ra mắt "Gian hàng Việt" và đẩy mạnh chiến dịch đưa đặc sản các tỉnh lên sàn thương mại điện tử. Tiên phong trong việc đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn, Sendo gặt hái thành công bước đầu khi tiêu thụ hơn 4.000 sản phẩm đặc sản Sơn La, mang lại doanh thu hơn 100 triệu đồng cho cho các đơn vị cung ứng chỉ trong 3 ngày đăng bán.

Ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sen Đỏ, đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Sendo.vn chia sẻ: "Sen Đỏ là một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam với khoảng một tỷ lượt truy cập trong năm 2020, đang định hướng trở thành một Chợ của người Việt, phân phối sản phẩm Việt. Chúng tôi cam kết sẽ cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng chương trình 'Gian hàng Việt trực tuyến' trên Sendo trở thành một điểm mua sắm uy tín cho người tiêu dùng hàng hoá Việt trên cả nước".

Theo ông, để hoạt động thực sự hiệu quả thì doanh nghiệp phải tiếp cận đúng nhu cầu, sản phẩm phải có thương hiệu và giá thành, đáp ứng được đối tượng mua hàng tại sàn thương mại điện tử. Sendo có đội ngũ nhân viên với chuyên môn sâu có thể cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành, địa phương thực hiện phân phối hàng hóa của doanh nghiệp trên "Gian hàng Việt trực tuyến" trong thời gian đầu, sau đó doanh nghiệp sẽ có thể tự vận hành phân phối sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Với mong muốn hỗ trợ người bán là những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ tham gia thị trường thương mại điện tử, Sendo đã đơn giản hóa quy trình mở gian hàng cũng như quy trình đăng bán sản phẩm. Sendo xác định những phương hướng hoạt động này không chỉ đơn thuần phục vụ mục tiêu kinh doanh mà là nhiệm vụ của mình với vai trò là sàn thương mại điện tử của người Việt. Đến nay, sau 9 năm tham gia thị trường, Sendo đã phục vụ hơn 12,5 triệu khách hàng với khoảng 2/3 đơn hàng đến từ các tỉnh thành ngoài TP HCM và Hà Nội, ghi nhận hơn 30 triệu đơn hàng riêng trong năm 2020 .

Chia sẻ chiến lược phát triển của Sendo thời gian tới, Tổng giám đốc Trần Hải Linh cho biết: "Thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng Sendo không chủ trương chạy theo trào lưu mà tập trung nắm bắt nhu cầu thật sự của khách hàng và đáp ứng với chất lượng dịch vụ tốt nhất. Hiện sản phẩm kinh doanh chủ lực của Sendo vẫn là các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày, giá thành cạnh tranh, dễ mua dễ dùng, phù hợp với nhu cầu của đa số người Việt, biến Sendo trở thành 'Chợ của người Việt'".