Blog > Quản lý kinh doanh > Shopee dẫn đầu ngành TMĐT, lãi đậm 3.000 tỷ đồng: Đây là cách “mê hoặc” các chiến thần, khiến chị em quay cuồng chốt đơn lia lịa, có người chi tiêu cả trăm triệu/năm

Shopee dẫn đầu ngành TMĐT, lãi đậm 3.000 tỷ đồng: Đây là cách “mê hoặc” các chiến thần, khiến chị em quay cuồng chốt đơn lia lịa, có người chi tiêu cả trăm triệu/năm

Gạo Nếp 08/01/2024 11:33

Báo cáo do công ty dữ liệu YouNet ECI cập nhật đến ngày 25/12/2023 cho thấy, tháng 11/2023, 4 sàn thương mại điện tử mang về tổng cộng 31.195 tỷ đồng giá trị giao dịch (GMV) đến từ 405 nghìn nhà bán. Doanh thu tháng 11/2023 tăng 9,3% so với tháng 10. Trong đó, sàn Shopee tiếp tục độc chiếm ngôi đầu thị phần doanh thu với 72,7% (tương đương 22,674 nghìn tỷ đồng).

Trước đó, trong năm 2022, Shopee đã ghi nhận doanh thu tăng vọt lên 11.000 tỷ đồng, gấp gần hai lần so với năm trước đó. Đây cũng là năm đầu tiên sàn thương mại điện tử này có lãi với con số 3.000 tỷ đồng, bù đắp được phần nào số lỗ lũy kế trước đó. Shopee cũng là đơn vị thương mại điện tử duy nhất có lãi trong năm 2022.

Những con số ấn tượng trên đã phần nào phản ánh việc mua sắm trên các sàn thương mại đang trở thành hành vi tiêu dùng phổ biến của người Việt, trong đó Shopee được người tiêu dùng ưu ái hơn. Thay vì “tay xách nách mang”, túi lớn, túi bé, nhiều người chọn đặt hành trực tuyến, ắt có người mang đến tận nhà.

Vào những ngày cận Tết, Thu An (24 tuổi, nhân viên marketing) có thể nhận đến 3 đơn hàng từ Shopee trong 1 ngày. An cho biết đã từ rất lâu chị không còn vào các tiệm tạp hoá gần nhà, đa phần đồ dùng trong nhà đều được mua trên sàn thương mại điện tử này. “Từ những dụng cụ nhỏ nhất như cái bát cho đến các thiết bị điện tử, tôi đều đặt mua trên đây. Khi mua sắm qua các nền tảng trực tuyến còn không mất phí vận chuyển nên tôi cứ thoải mái lựa chọn”, chị nói.

Chia sẻ thêm, Thu An cho biết vào những ngày “giảm giá khủng” hay “sale sập sàn”, chị nhận thấy mức giá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử còn rẻ hơn so với mua ngoài hàng.

Không chỉ bản thân An, đến bà và mẹ của chị cũng thích dùng Shopee hơn thay vì ra ngoài mua sắm. Tổng kết nửa năm qua, chị đã chi 65,9 triệu đồng với 306 đơn hàng trên sàn thương mại này.

Lý giải sức hút của Shopee?

Gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 8/2016 muộn hơn so với 2 “ông lớn” thương mại điện tử khác là Lazada và Tiki nhưng Shopee nhanh chóng khẳng định vị thế dẫn đầu nhờ những chiến lược thông minh, độc đáo.

1. Dễ dàng “chốt đơn” nhờ giao diện thân thiện, “gì cũng có” trên Shopee

Ưu điểm nổi bật đầu tiên của Shopee chính là giao diện trực quan giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm theo từ khoá hoặc hình ảnh, so sánh giá cả cũng như kiểm chứng chất lượng thông qua phản hồi từ khách hàng mua trước đó. Tính năng đơn giản, dễ sử dụng cũng giúp Shopee dễ dàng tiếp cận với khách hàng ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Người dùng có đa dạng sự lựa chọn các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử này, từ đồ điện tử, gia dụng đến thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày. Chỉ cần tải 1 ứng dụng, khách hàng có thể trải nghiệm toàn bộ dịch vụ trong hệ sinh thái Shopee: thanh toán đơn hàng, chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại bằng dịch vụ thanh toán trực tuyến ShopeePay, giao đồ ăn bằng ShopeeFood, đặt vé máy bay, thậm chí mua bảo hiểm,...

2. Freeship mọi miền, sản phẩm 1.000 đồng phí ship cũng 0 đồng

Từ một khảo sát, Shopee nhận thấy phí vận chuyển vẫn là một rào cản lớn đối với cả người mua hàng và người bán hàng khi chuyển từ mua hàng truyền thống sang mua hàng online. Chính vì vậy, sàn thương mại điện tử này tập trung giải quyết rào cản này bằng việc xây dựng một chương trình trợ giá vận chuyển hàng tháng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao hàng.